Quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất

Mới đây, Bộ Tài nguyên và môi trường vừa ban hành Thông tư số 75/2017/TT-BTNMT quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất.

Thông tư này quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt thăm dò, khai thác nước dưới đất, khoan khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và các hoạt động khoan, đào khác có liên quan đến nước dưới đất. Tuy nhiên, đối với trường hợp khoan thăm dò, khai thác dầu khí không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư này.
 
 
Theo đó, Thông tư cũng quy định các nguyên tắc bảo vệ nước dưới đất, cụ thể: 
 
Bảo vệ nước dưới đất lấy phòng ngừa làm chính, chú trọng việc bảo vệ nguồn nước dưới đất tại khu vực bị khai thác quá mức hoặc bị suy thoái nghiêm trọng, các vùng cấm, vùng hạn chế khai thác, các khu vực cấp nước sinh hoạt, khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, khu dân cư tập trung, các vùng khan hiếm nước, các khu vực nước dưới đất có nguy cơ bị cạn kiệt, ô nhiễm, xâm nhập mặn và các khu vực có nguy cơ bị sụt, lún đất. 
 
Đồng thời, bảo vệ nước dưới đất phải gắn với khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước dưới đất; gắn với các hoạt động bảo vệ nguồn nước mặt, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và tài nguyên thiên nhiên.

Mặt khác, bảo vệ nước dưới đất phải xem xét, thực hiện ngay trong giai đoạn lập các quy hoạch có liên quan đến thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đối với các dự án đầu tư có hoạt động liên quan đến thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất hoặc có hoạt động liên quan đến thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất hoặc hoạt động có liên quan đến thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất thì việc bảo vệ nước dưới đất phải được thực hiện trong giai đoạn lập dự án đầu tư.

Các yêu cầu về thiết kế, thi công giếng khoan khai thác nước dưới đất; yêu cầu về thiết kế, thi công giếng khoan thăm dò, điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất, khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ và giếng đào; yêu cầu bảo vệ nước dưới đất khi thực hiện thí nghiệm trong giếng khoan cũng được quy định chi tiết tại Thông tư này.
 
Bên cạnh đó, đối với các vấn đề bảo vệ nước dưới đất trong quá trình khai thác, chủ công trình khai thác nước dưới đất có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh xung quanh giếng khai thác và thực hiện các biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa ô nhiễm nước dưới đất qua giếng khoan khai thác; đối với công trình khai thác nước dưới đất phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt phải xây dựng bảo hộ vệ sinh của công trình theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước; Chủ công trình khai thác thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất tổ chức lắp đặt thiết bị, bố trí nhân lực thực hiện việc quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước tại các giếng khai thác, giếng quan trắc của công trình bảo đảm thông số, hình thức và chế độ quan trắc để cung cấp, cập nhật số liệu vào hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước. 
 
Việc quan trắc mực nước tại giếng quan trắc của công trình khai thác phải thực hiện tối thiểu tại 01 giếng đối với công trình khai thác nước dưới đất  có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm đến dưới 5.000 m3/ngày đêm; tối thiểu tại 02 giếng đối với công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 5.000 m3/ngày đêm đến dưới 10.000 m3/ngày đêm; tối thiểu tại 03 giếng đối với công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng từ 10.000 m3/ngày đêm trở lên.
 
Ngoài ra, cần phát hiện, xử lý, khắc phục các hiện tượng, sự cố bất thường về chất lượng nước, mực nước trong quá trình khai thác và các sự cố khác do hoạt động khai thác của mình gây ra; trường hợp xảy ra sự cố thì phải dừng ngay việc khai thác, kịp thời xử lý, khắc phục sự cố, bồi thường thiệt hại (nếu có); thông báo kịp thời tới Ủy ban nhân dân cấp xã và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi xảy ra sự cố và báo cáo cơ quan cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất. 
 
Thông tư cũng quy định rõ, bảo vệ nước dưới đất trong hoạt động điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất, khảo sát địa chất công trình, thăm dò địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ có các hạng mục khoan, đào, thí nghiệm trong giếng khoan ngoài việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan thì  các tổ chức, cá nhân thực hiện các công tác điều tra đánh giá trên phải thực hiện đầy đủ yêu cầu bảo vệ nước dưới đất theo quy định tại Điều 4, Điều 6 và Điều 7 của Thông tư này.
 
Đồng thời, tổ chức, cá nhân xử lý nền móng công trình chỉ được sử dụng các vật liệu được phép sử dụng theo quy định của pháp luật; không sử dụng nước thải, nước bẩn, nước có chứa dầu mỡ để xử lý nền móng công trình.
 
Đối với hoạt động bơm hút nước để tháo khô mỏ thì thực hiện theo các quy định tại Khoản 4 Điều 26 Luật Tài nguyên nước 2012; Riêng với các hồ, bể chứa nước thải, bã quặng và các chất thải lỏng khác trong hoạt động khai thác khoáng sản phải tuân thủ các quy định, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, khoáng sản và pháp luật về tài nguyên nước để đảm bảo không gây ô nhiễm nước dưới đất.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12 tháng 2 năm 2018.
 
Nguồn: Cục quản lý Tài nguyên nước

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1