Khó thuyết phục người dân khi thu phí dịch vụ thoát nước

Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập thành phố đã hoàn thành Ðề án thu phí dịch vụ thoát nước đối với nước sạch sinh hoạt. Nếu được UBND thành phố thông qua, loại phí mới này sẽ được áp dụng từ tháng 3-2018.
 
 
Ảnh minh họa
 
Theo Ðề án, thành phố sẽ thu phí dịch vụ thoát nước, với mức thu ban đầu là 1.800 đến 2.000 đồng/m3 trên lượng nước sạch sử dụng của mỗi hộ gia đình, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Theo đó, khách hàng sử dụng càng nhiều nước sạch thì phải trả phí càng cao cho dịch vụ thoát nước. Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập cho hay, với việc áp dụng thu phí dịch vụ thoát nước, mỗi năm ngân sách thành phố có thêm khoảng 1.200 đến 1.400 tỷ đồng. Khoản thu này sẽ dùng để chi trả cho các dịch vụ thu gom, vận hành, bảo trì hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt của thành phố. Mức thu cũng sẽ tăng dần theo từng năm. Có thể chính quyền thành phố sẽ tính đến chính sách thu phí thấp hơn đối với hộ nghèo. Khi áp dụng phí dịch vụ thoát nước, thành phố sẽ không thu thuế bảo vệ môi trường đối với nước sạch. Hiện tại, mức thuế này đang được áp ở mức 10% giá nước sạch sinh hoạt. Trong thời gian vừa qua, việc kêu gọi đầu tư đối với các dự án xử lý nước thải ở thành phố gặp nhiều khó khăn, phần lớn là do nhà đầu tư thiếu vốn, họ lại không mặn mà với các dự án thoát nước do thiếu chính sách về phí để thu hồi vốn.

Hiện nay, thành phố chỉ có một nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đang vận hành là nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, với công suất 141.000 m3/ngày. Theo quy hoạch, thành phố dự kiến sẽ có khoảng bảy nhà máy. Tính đến nay, đã có khoảng mười nhà đầu tư đăng ký tham gia đầu tư các dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại thành phố. Theo các chuyên gia môi trường, hiện tổng lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý của cả thành phố thải ra kênh rạch mỗi ngày hơn 1,2 triệu m3. Do cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ cho nên phần lớn nước thải chưa xử lý khu vực nội thành được thải thẳng ra các kênh rạch, đổ ra sông Sài Gòn và trôi dần về phía hạ lưu là sông Ðồng Nai. Số liệu từ Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho thấy, thành phố đã đạt chỉ tiêu 100% hộ dân có nước sạch, với tổng công suất phát nước bình quân của các nhà máy khoảng 1,8 triệu m3/ngày, công suất lớn nhất có thể lên 2,4 triệu m3/ngày.

Tuy nhiên, thất thoát nước sạch sinh hoạt vẫn là một "vấn nạn" khó chấp nhận. Năm 2016, Sawaco đã phát ra hơn 626 triệu m3 nước sạch nhưng lượng nước thu được tiền và được sử dụng hữu ích chỉ có hơn 449 triệu m3, đồng nghĩa với khoảng 177 triệu m3 nước sạch đã thất thoát. Báo cáo từ Sawaco cũng khẳng định, tỷ lệ thất thoát nước sạch sinh hoạt bình quân trong năm 2016 là 28,31%. Nếu tính theo giá nước sinh hoạt thấp nhất là 5.300 đồng/m3, thì tổng số tiền "trôi theo dòng nước" của năm 2016 đã là 940 tỷ đồng. Trong năm 2017, Sawaco cố gắng giảm con số tỷ lệ thất thoát nước sạch xuống dưới 26% và phấn đấu giảm dần theo lộ trình cho đến năm 2020 còn khoảng 10%.

Điều đáng nói, tỷ lệ thất thoát nước sạch sinh hoạt từ lâu đã được Sawaco "cộng" vào giá nước hằng tháng, được "phân phối" đến hàng triệu hộ gia đình tại thành phố, để "bù" cho chi phí sản xuất nước sạch sinh hoạt, khiến giá nước luôn "tăng đều" hằng năm. Ðó là một gánh nặng không nhỏ trong thu chi hằng tháng của hàng triệu hộ gia đình. Chuyện bất công này, đã được người dân và xã hội "kêu" từ rất lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa khắc phục được bao nhiêu. Như vậy, theo cách thu phí mới của Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập ngay từ đầu vào (từ 1.800 đến 2.000 đồng/m3), không thu 10% phí bảo vệ môi trường thì giá nước sinh hoạt (theo tính toán của người dân), trên thực tế người dân phải trả hằng tháng lại đội lên quá cao.
 
Theo QUỲNH NGUYỄN (nhandan.com.vn)

Bài viết cùng chuyên mục