Nhiều ý tưởng sau ngày Hồ Gươm được làm sạch

Từ đêm ngày 28/11, đã có 200 công nhân của Công ty Thoát nước Hà Nội dùng xô, máy xúc múc bùn nạo vét Hồ Gươm. Nhiều người dân Thủ đô háo hức chờ ngày Hồ Gươm sạch đẹp trở lại cùng những mong ước rất nên thơ.
 

Công việc nạo vét Hồ Gươm đang được tiến hành cẩn trọng và an toàn. Ảnh: K.O

Công việc nạo vét Hồ Gươm đang được tiến hành cẩn trọng và an toàn. Ảnh: K.O
 
Tháng 2/2018 sẽ hoàn tất việc làm sạch Hồ Gươm
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, đơn vị này đang được UBND TP chấp thuận việc nạo vét Hồ Gươm bằng phương pháp thủ công. Theo kết quả khảo sát trước đó, hệ sinh thái thủy vực Hồ Gươm bao gồm thực vật nổi, động vật nổi, thực vật thủy sinh, vi sinh vật, động vật không xương sống, cá. Mật độ vi khuẩn nhóm Coliform, E. Coli rất cao. Hồ có 59 loài vi tảo, chiếm ưu thế là vi khuẩn lam với 23 loài. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho hệ sinh thái, đơn vị thi công sẽ phân 3 vùng (với khoảng 32.500m2 mỗi vùng) và triển khai nạo vét trong thời gian dài, giúp ổn định lại đường bờ và hệ sinh thái được thích nghi dần với sự thay đổi cấu trúc đáy hồ.

Hệ thủy sinh sẽ được dồn và bảo vệ bằng lưới quây và lưới kéo kích thước mắt lưới nhỏ (mắt 4x4 mm, chiều cao 2,5m); phía trên có giềng phao, phía dưới có giềng chì và lưới thoát bùn cao 30 cm. Các hoạt động nạo vét chỉ diễn ra trong ranh giới vùng thi công, cách xa hệ thủy sinh.

Để đảm bảo an toàn cho hệ thủy sinh, đơn vị thi công sẽ sử dụng máy xúc đứng trên phà nhỏ xúc bùn lên phễu chứa của xe bơm bùn công suất 80m3/h; ống dẫn bùn nằm trên các phương tiện nổi để dẫn vào bờ. Các công nhân sẽ bơm bùn từ xe bơm lên xe téc và vận chuyển đi đổ. Gần 100 phương tiện như máy gầu xúc, phà nhỏ, xe bơm, xe téc, thùng phuy, xe chở rác, thuyền thu gom... được huy động cùng 200 công nhân đang tích cực làm sạch Hồ Gươm.

Theo kế hoạch, tổng khối lượng nạo vét ở Hồ Gươm là 57.400m3. Mỗi ngày nạo vét khoảng trên 800m3 bùn đất, diện tích khu vực nạo vét bùn là 9,7 ha. Theo dự kiến đến tháng 2/2018 sẽ hoàn tất việc nạo vét, làm sạch hồ Gươm.

Sau khi nạo vét khoảng 3-4 tháng, Công ty Thoát nước sẽ tiến hành lấy mẫu phân tích, đánh giá chất lượng nước để có phương án xử lý, duy trì chất lượng nước Hồ bằng chế phẩm Redoxy – 3C. Đơn vị này cũng dự kiến dùng nước giếng khoan để cấp nước cho Hồ Gươm.

Nhiều ý tưởng cho Hồ Gươm đẹp hơn sau khi làm sạch
 

Người dân luôn coi Hồ Gươm như một địa chỉ đỏ.

Người dân luôn coi Hồ Gươm như một địa chỉ đỏ.
Với việc nạo vét Hồ Gươm quy mô lớn lần này, nhiều người dân tại Hà Nội kỳ vọng Hồ Gươm - biểu tượng của Thủ đô sẽ thật sự xanh- sạch - đẹp trở lại, các thông số về nguồn nước sẽ đạt chuẩn theo quy định của Bộ Tài nguyên Môi trường.

Bạn Nguyễn Thùy Dương (sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân) chia sẻ: “Những ngày cuối tuần mình và bạn bè rất hay lên Hồ Gươm để đi dạo và chụp ảnh. Nhưng trước vì nước hồ không được trong, thỉnh thoảng còn bị bốc mùi hôi tanh nên bọn mình không ở lại Hồ lâu, chụp ảnh ngắm nghía chút rồi đi. Giờ nghe thấy thông tin thành phố làm quy mô lớn nạo vét, làm sạch Hồ Gươm mình thấy rất háo hức. Hy vọng, Hồ Gươm sẽ sạch và đẹp hơn sau lần này”.

Nhiều bạn trẻ cũng đã có những ý tưởng, có những suy nghĩ về một Hồ Gươm trong tương lai. “Mình thích Hồ Gươm có nhiều đèn lồng giống trong phố Cổ Hội An, chụp ảnh lên sẽ rất lung linh”, Thu Hà (sinh viên trường Đại học Bách Khoa) chia sẻ.

“Hy vọng sau khi được làm sạch, Hồ Gươm sẽ được nuôi rùa để sau này con cháu chúng ta sẽ biết đến Cụ Rùa”; “Sau khi Hồ Gươm được làm sạch, mình thích trong Hồ sẽ có thật nhiều cá để đứng trên bờ cũng có thể nhìn thấy cả đàn cá tung tăng bơi lội giống như trong áo cá của Bác Hồ”... một số bạn trẻ chia sẻ những mong muốn về một Hồ Gươm trong tương lai.

Bên cạnh sự háo hức, nhiều người dân cũng tỏ ra lo ngại về quá trình nạo vét Hồ Gươm. “Không biết, sau khi nạo vét Hồ Gươm có còn được đẹp như lúc đầu hay không. Rồi các loài sinh vật đang sinh sống, người ta sẽ có phương án bảo quản như thế nào”, cô Nguyễn Thị Tình (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.

Kể từ khi nghe thông tin Hồ Gươm sắp được làm sạch thì cô Nguyễn Thị Huế (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại có đôi chút tiếc nuối khi không còn Cụ Rùa sinh sống trong Hồ Gươm: “Giá mà, nước hồ sạch hơn, trong hơn, phương án làm sạch hồ được thực hiện sớm hơn thì có lẽ Hồ Gươm sẽ vẫn còn cụ Rùa. Đối với những người dân Hà Nội như chúng tôi, cụ Rùa luôn mang một ý nghĩa linh thiêng, chỉ tiếc bây giờ Hồ Gươm không còn cụ Rùa nào”.

Điều nhiều người đặt ra là sau khi cải tạo hồ là cần làm tốt các vấn đề xã hội, đó là quá trình xả thải nước sinh hoạt chưa qua xử lý trực tiếp vào hồ, là trách nhiệm của chính quyền và người dân trong công tác bảo vệ môi trường… hàng loạt những tiêu chí cần và đủ nhằm bảo tồn hồ còn thiếu và yếu. Đây sẽ là vấn đề thực sự cấp bách trong thời gian tới và người dân yêu cầu TP Hà Nội lên kế hoạch cụ thể, dài hơi, bền vững, từng bước khắc phục những tồn tại để giải cứu lá phổi xanh của TP. Đồng thời, để gìn giữ sự xanh - sạch- đẹp của Hồ Gươm cần phải có sự tham gia tích cực hơn nữa của cộng đồng và giám sát của xã hội...
 
Sẽ giữ được màu xanh của nước và tảo đặc hữu trong hồ

Chiều 28/11, tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, ông Võ Tiến Hùng - Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội cho biết, phương án nạo vét cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm hoàn thành trước Tết Mậu Tuất, với tổng kinh phí dự kiến 29 tỷ đồng,bằng nguồn vốn sự nghiệp thuộc ngân sách thành phố. Ông Hùng cũng khẳng định, việc nạo vét cũng như chế phẩm xử lý là Redoxy 3C sẽ giữ được màu xanh trong của nước hồ và tảo đặc hữu trong hồ. Trước đó, chế phẩm Redoxy 3C đã được thử nghiệm 14 tháng, đánh giá tốt, không có mùi, không làm ảnh hưởng sinh thái hồ. Chế phẩm này đã thử nghiệm 85 hồ nội thành, 37 hồ ngoại thành, được người dân quanh các hồ đánh giá chất lượng nước hồ cải thiện rõ rệt.
 
 
Đông An - Kim Oanh (giadinh.net.vn)


 

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1