Tiếp cận Kinh nghiệm đổi mới ngành nước của Hungary

Trong khuôn khổ Sự kiện Triển lãm quốc tế về ngành nước Việt Nam VIETWATER 2017, ngày 8/11/2017, Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) đã phối hợp với Hiệp Hội Nước Hungary (HWC) tổ chức Hội thảo trao đổi về những kinh nghiệm đổi mới ngành nước của Hungary. 

Trong bối cảnh ngành nước Việt Nam đang có nhiều chuyển biến, nhất là công tác cổ phần hóa doanh nghiệp ngành nước, hội thảo là cơ để hai hội và doanh nghiệp hoạt động chuyên ngành hai nước trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm và xúc tiến thương mại, đầu tư.
 

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 50 đại biểu với sự điều hành của ông Károly Kovács - Chủ tịch HWC, Nguyên Chủ tịch Hội nước Châu Âu và ông Nguyễn Hồng Tiến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VWSA.

Tham dự hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe tổng quan về ngành nước Việt Nam và tình hình cổ phần hóa ngành nước đô thị Việt Nam cũng như các kinh nghiệm đổi mới ngành nước của Hugary trong cả quản lý nguồn nước, hệ thống cấp thoát nước và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, xử lý nước, cũng các sản phẩm tiên tiến trong ngành nước của Hungary.
                                 
Hungary là nước phát triển và có nhiều kinh nghiệm trong công nghệ xử lý nước, dự trữ nước và môi trường bao gồm từ cung cấp nước sạch, xử lý nước mặn thành nước ngọt, xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải từ các bãi rác, xử lý môi trường đến việc xây dựng các công trình nước. Nhiều dự án đã thành công ở Việt Nam như các công trình cấp nước sạch ở Quảng Trạch - Quảng Bình; các dự án về thoát nước và xử lý nước thải tại Vĩnh Long và Đồng Tháp đang chuẩn bị vay vốn của CP Hungary.  

Phát biểu tại Hội thảo, đại diện VWSA cho biết: Ngành cấp thoát nước Việt Nam những năm gần đây đã và đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Tính đến ngày 30/06/2017, tổng công suất thiết kế cấp nước đô thị đã đạt: 8,5 triệu m3/ngđ; Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước qua HTCN tập trung: 84,5%; 70% HTCN đô thị đảm bảo cấp nước 24/24h; Chất lượng dịch vụ, chất lượng nước đã được nâng cao hơn trước rất nhiều. Những chỉ tiêu này đối với cấp nước nông thôn cũng được cải thiện và tăng lên theo từng năm.

Tuy nhiên ngành cấp thoát nước Việt Nam còn đang đối mặt với nhiều hạn chế, bất cập như về: Năng lực quản lý chưa cao, Ô nhiễm nguồn nước, tác động của biến đổi khí hậu, Nhận thức cộng đồng còn nhiều hạn chế cả trong quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước, Nguồn vốn đầu tư, Cơ chế chính sách thiếu đồng bộ. Trong đó có nhiều vướng mắc trong quá trình quản lý vận hành doanh nghiệp ngành nước trong và sau cổ phần hóa. 

Ông Nguyễn Hồng Tiến - Phó chủ tịch VWSA phát biểu: Cổ phần hóa doanh nghiệp ngành nước được tiến hành từ năm 2007, đến nay, 90% số doanh nghiệp ngành nước đã hoàn thành CPH khoảng và chỉ còn 10 công ty cấp nước cấp tỉnh chưa tiến hành CPH hoặc đang trong quá trình CPH, trong đó 02 Tổng công ty cấp nước lớn là TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội. 

Cổ phần hóa đem lại cho doanh nghiệp ngành nước nhiều kết quả thành công như: Sản xuất kinh doanh có nhiều chuyển biển tích cực, năng lực tài chính được cải thiện, hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng lên thể hiện thông qua doanh thu bình quân, tỷ lệ lợi nhuận bình quân trên giá thành, thu nhập của người lao động ngày càng tăng, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện.

Tuy nhiên quá trình thực hiện cổ phần hóa còn các hạn chế cần có giải pháp khắc phục, đó là: việc xác định giá trị tài sản doanh nghiệp, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, việc bán vốn nhà nước, giá nước tiêu thụ và vai trò quản lý nhà nước sau CPH.
 

 
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hungary Orbán Viktor ngày 25/9/2017, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Hungary Orbán Viktor và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng diện các quan chức năng của Chính phủ Hungary và Việt Nam, Hội Cấp thoát nước Việt Nam (VWSA) và Hiệp Hội Nước Hungary (HWC) đã tiến hành ký kết biên bản hợp tác giữa HWC -VWSA kết nối năng lực ngành nước Việt - Hungary. Đây là chương trình hợp tác nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ thông tin, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác thương mại để hướng tới phát triển bền vững ngành nước mỗi bên. 

Hội thảo cùng với chuỗi các sự kiện của Hiệp hội ngành nước Hungary tại Triển lãm Vietwater 2017 là bước đầu cụ thể hóa các hoạt động được ký kết trong biên bản giữa hai bên.

Hy vọng sự hợp tác sâu rộng, hiệu quả giữa Việt Nam và Hungary, giữa ngành nước hai nước tiếp tục phát triển bền vững
Hà Thắm

Bài viết cùng chuyên mục

Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tạp chí Cấp Thoát nước Việt Nam
Tuyển sinh 2021-1